Chiều ngày 15-7, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp, nhằm giới thiệu đến nhà đầu tư lợi thế, tiềm năng và ưu đãi khi chọn Hậu Giang làm điểm đến. Tham dự hội thảo có ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các chuyên gia, đại diện viện, trường và khoảng 100 đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phát biểu khai mạc hội thảo.
Hậu Giang với lợi thế vị trí tiếp giáp thành phố Cần Thơ và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu, các tuyến quốc lộ kết nối liên vùng đi qua địa bàn tỉnh khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt Hậu Giang với Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ cùng với Cảng biển nước sâu Trần Đề, từ đó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp và logistics.
Chủ tọa điều hành hội thảo.
Tỉnh đã thành lập được 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.078ha, thu hút được 114 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động và đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh các chính sách ưu đãi tốt, tỉnh Hậu Giang luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh, 3 tốt”. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch xây dựng thêm 8 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích là 2.310ha, đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ có ít nhất là 15 cụm công nghiệp và 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích 6.290ha.
Hơn 100 đại biểu tham dự hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp.
Tham luận từ các chuyên gia tại hội thảo đã làm sáng tỏ hơn các tiềm năng và thách thức của tỉnh trong lĩnh vực kinh tế nhằm thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, môi trường đầu tư của tỉnh qua kết quả PCI, DDCI, kiến nghị chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, giải pháp phát triển công nghiệp bền vững tại các địa phương cũng như ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp đã, đang và sẽ chọn Hậu Giang làm điểm đến.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư về những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang, những chính sách ưu đãi đầu tư cũng như quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cũng là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của tỉnh.
Cũng qua hội thảo này, ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển một cách bền vững cần sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự đồng hành của doanh nghiệp và Nhân dân. Phát huy mạnh mẽ các cơ hội từ vị trị địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Hậu Giang cần lựa chọn các bước đi phù hợp nhằm thu hút đầu tư, cũng như thúc đẩy sự phát triển của một số ngành ngành công nghiệp mũi nhọn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư.
Tin, ảnh: T.TRANG